21/10/17

Hệ sinh thái các dự án blockchain

Sau khi Bitcoin xuất hiện được tầm 4 năm thì bắt đầu xuất hiện một phong trào startup rộng khắp sử dụng công nghệ blockchain. Lúc này hầu hết các ý tưởng đều xoay quanh sàn giao dịch tập trung, các giải pháp private blockchain hoặc blockchain cho doanh nghiệp, ví. Thời kỳ này kéo dài cho đến 2016.

Vào 2016, Ethereum xuất hiện với khả năng thực thi mã lệnh trên mạng lưới đã tạo nên sự nở rộ các loại hình xây dựng smart contract. Nhiều ứng dụng phân quyền mới được tạo ra với tham vọng tận dụng được tính chất quý báu này của blockchain: khả năng đạt được sự tin cậy lẫn nhau mà không cần bên trung gian hoặc người quản lý chung.

Với một rừng các dự án như vậy ắt hẳn rất khó cho chúng ta nắm bắt được để biết chúng thuộc về mảng nào trong toàn cảnh hệ sinh thái crypto. Bài viết xin được giới thiệu cách phân loại của Josh Nussbaum để độc giả có một cái nhìn toàn cảnh về hệ sinh thái này.

Nhóm I: Tiền tệ 

Hầu hết trong số này ra đời với ý định tạo ra một loại tiền tệ tốt hơn cho nhiều mục đích sử dụng cũng như phương tiện lưu trữ giá trị (store of value), phương tiện trao đổi (medium of exchange) hoặc là đơn vị đo đếm (unit of account). Trong khi Bitcoin là dự án đầu tiên và quan trọng nhất trong nhóm này thì các dự án khác đều có sự cải thiện mặt nào đó trong giao thức của Bitcoin hoặc được điều chỉnh cho phù hợp với một mục đích khác. Có thể chia nhóm này thành 3 mục con:

  • Các giao thức lớp nền (đa mục đích)
  • Hỗ trợ thanh toán
  • Giao dịch riêng tư
Các dự án trong mục hỗ trợ giao dịch riêng tư có thể được xếp vào mục thứ nhất hoặc thứ nhì tuy nhiên chúng được xếp riêng để thể hiện sự quan trọng của giao dịch ẩn danh và không lưu vết (đặc biệt là Monero và ZCash). Nhiều người dùng cá nhân và tổ chức không muốn giao dịch của họ bị theo dõi, đặc biệt là các tổ chức muốn bảo vệ bí mật làm ăn.

Nhóm II: Công cụ hỗ trợ phát triển



Các dự án trong mục này được sử dụng chủ yếu bởi các lập trình viên trong việc xây dựng các nền tảng/ứng dung phân quyền. Để người dùng có thể tương tác trực tiếp với blockchain thông qua giao diện ứng dụng thì các thiết kế đều phải hướng tới giải quyết khả năng mở rộng của hệ thống. Do đó các dự án trong mục này chủ yếu xoay quanh việc giải quyết vấn đề mở rộng và khả năng hoạt động liên mạng (interoperability). Những thành quả trong các hoạt động này là phần quan trọng của việc phát triển Web3.

Đối với tác giả, đây là mục thú vị nhất xét trên phương diện thoả mãn tính tò mò về công nghệ và cả tiềm năng đầu tư. Các dự án trong mục này đang giải quyết các bài toán cực kỳ quan trọng của tương lai blockchain, chẳng hạn như tạo ra các hệ thống phân quyền tự trị thay thế cho Facebook nơi mà người dùng có thể tự kiểm soát dữ liệu của họ, cũng như có khả năng mở rộng cực lớn và ổn định.

Ngoài ra, các dự án này không mang tính chất đối chọi triệt tiêu nhau giống như trong mục Tiền tệ. Chẳng hạn như khi xây dựng một sàn trao đổi dữ liệu phân tán thì cần đến nhiều tools khác nhau như Ethereum để tạo smart contract, cần đến Truebit để tính toán nhanh hơn, cần đến NuCypher để tăng cường mã hoá truyền tin, cần đến ZeppelinOS để bảo mật tốt hơn và cần đến Mattereum để việc thực thi smart contract được bảo đảm hơn trong trường hợp có tranh chấp. Vì các dự án trên đều chỉ cung cấp giao thức chứ không phải nơi tập trung dữ liệu nên chúng có thể "nói chuyện" được với nhau, nhờ vậy sẽ tạo ra các ứng dụng mạnh mẽ nhờ tập hợp được các tính năng khác nhau trong cùng một hệ thống.

Nhóm III: Fintech


Các dự án trong mục này rất dễ hiểu. Khi chúng ta tương tác với nhiều giao thức và ứng dụng khác nhau (chẳng hạn như trong các ứng dụng ở mục II trên) mà mỗi giao thức lại có cryptocurrency riêng của mình do đó bạn phải tương tác với nhiều hệ thống kinh tế khác nhau.
Trong một hệ thống kinh tế có nhiều loại tiền tệ, tức nhiều đơn vị tính, thì cần thiết phải có một công cụ để đơn giản hoá việc chuyển đổi giá trị từ đơn vị này sang đơn vị kia từ đó hỗ trợ khả năng thanh khoản và đầu tư trong nền kinh tế đó.

Mục con DEX (Decentralized Exchange - Sàn giao dịch phân cấp) cũng có thể được xếp vào mục II - một công cụ hỗ trợ phát triển. Nhiều sàn hiện tại đã sẵn sàng tích hợp giao thức 0x và tác giả dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai gần. Các ứng dụng này giúp việc sử dụng và trao đổi các token dễ dàng hơn trong thời điểm các token nở rộ không ngừng đến mức không thể đếm nổi. Nhờ đó cuối cùng chúng ta sẽ chỉ cần đến một vài token để trao đổi nhiều token không thể nhớ nổi khác. Đó là một lợi ích của các sàn giao dịch phân cấp.

Cả 2 mục con Lending (cho thuê) và Insurance (bảo hiểm) đều sẽ thu nhiều lợi ích nhờ vào sự rộng lớn của hệ thống và khả năng lấy được thông tin rủi ro một cách hệ thống và chính xác. Nhờ vào sự mở rộng thị trường cho phép nhiều người dùng tham gia vào hoặc nhờ vào nền tảng đánh giá rủi ro theo từng cá nhân (một cách chính xác hơn) mà hệ thống có thể đưa ra được phương án đến từng các nhân, từ đó tăng được hiệu quả, giảm được nhiều chi phí và người dùng sẽ có thêm nhiều lợi ích hơn so với các hệ thống truyền thống hiện tại. Nhờ khả năng lưu trữ thông tin và làm cho chúng không thể bị thay đổi, người dùng có thể tự tin rằng những thông tin cá nhân của họ một khi đã được đưa lên đó sẽ vĩnh viễn không thể bị tự ý thay đổi.




Nhóm IV: Bảo toàn hệ thống

Sách trắng của Blockstack có viết rằng:

Over the last decade, we’ve seen a shift from desktop apps (that run locally) to cloud-based apps that store user data on remote servers. These centralized services are a prime target for hackers and frequently get hacked.

Tạm dịch:

Trong thập kỷ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự dịch chuyển từ ứng dụng desktop (chạy cục bộ trên máy tính) sang các ứng dụng đám mây lưu trữ dữ liệu người dùng tại các server từ xa. Những dịch vụ tập trung này là mục tiêu hàng đầu của hackers và thường xuyên bị hack.

Việc bảo toàn hệ thống (bảo đảm sự toàn vẹn của hệ thống khỏi sự tấn công) là một lĩnh vực nữa mà tác giả cảm thấy thú vị ở thời điểm hiện tại. Trong khi công nghệ blockchain vẫn đang đương đầu với vấn đề mở rộng và năng lực hoạt động thì chính kiến trúc tạo ra sự tin cậy là nhân tố quan trọng vượt lên hơn cả 2 vấn đề trên khi chúng ta xét đến các dữ liệu quan trọng mà hiện tại chúng ta phải nhờ tới các bên thứ 3 bảo vệ hộ. Thông qua hệ thống kinh tế học xây dựng trên nền tảng blockchain (cryptoeconomics), người dùng không cần phải tin tưởng một cá nhân hay tổ chức nào hơn là tin vào việc con người sẽ hành xử một cách hợp lý khi được khích lệ (bằng kinh tế) một cách hợp lý.

Các dự án trong nhóm này cung cấp những chức năng cần thiết để xây dựng một thế giới mà người dùng không bị bắt buộc phải tin tưởng một cá nhân hay tổ chức nào mà chỉ cần tin vào các cơ chế khích lệ được lập trình sẵn sử dụng mật mã học và các nguyên lý kinh tế.






Nhóm V: Trao đổi giá trị

Một thiết kế quan trọng của giao thức Bitcoin chính là khả năng có được sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành phần tham gia trong hệ thống mặc dù các thành phần này không hề có một mối quan hệ nào ngoài đời thực. Các giao dịch được tạo ra và chia sẻ bởi các bên theo một cách không thể nào bị hack được. Thông thường người ta sẽ bắt đầu kết hợp với nhau thành các tổ chức (vd: công ty, hội) để hoạt động hiệu quả hơn khi chi phí để điều phối sản xuất theo quy luật thị trường (một cách tự nhiên) cao hơn so với chi phí điều phối trong một tổ chức (có kế hoạch và tập trung hơn). Nhưng liệu người ta có thể tổ chức thành các "công ty" khi hoàn toàn không cần phải tin tưởng lẫn nhau được không? Nhờ vào blockchain và nền kinh tế xây dựng trên đó mà chi phí thời gian và độ phức tạp của việc xây dựng lòng tin sẽ hoàn toàn được loại bỏ. Nhiều cá nhân không cần tin tưởng lẫn nhau có thể hợp tác và chia sẻ lợi ích với nhau mà không cần lập ra các công ty hay một tổ chức cấp bậc nào ngoài đời thực như trước đây.

Cho đến bây giờ các tổ chức điều phối và môi giới vẫn là một "ác quỷ" cần đến để mọi thứ được hoạt động trơn tru, an toàn cũng như bảo đảm các quy tắc của giao dịch dân sự. Tuy nhiên trong nhiều lĩnh vực các hệ thống kinh tế trên nền blockchain có thể thay thế sự tin cậy (đối với cá tổ chức trung gian) này. Việc loại bỏ thành phần trung gian (cũng như phí trung gian) sẽ giúp người dùng trao đổi hàng hoá và dịch vụ với mức phí thấp hơn nhiều.

Các dự án trong nhóm này có thể được phân thành 2 mục: Có thể trao đổi được và không trao đổi được. Những thị trường cho phép người dùng trao đổi hàng hoá và dịch vụ trao đổi được sẽ biến những thứ như dung lượng lưu trữ, khả năng tính toán, kết nối internet, băng thông, năng lượng v.v. thành hàng hoá trao đổi. Các công ty bán những sản phẩm này ngày nay cạnh tranh bằng chiến lược kinh tế quy mô chỉ có thể bị thay thế bởi một chiến lược kinh tế quy mô khác. Bằng việc mở ra một nguồn cung hàng hoá tiềm năng và cho phép bất cứ ai cũng có thể tham gia vào mạng lưới (việc này sẽ trở nên dễ dàng nhờ những dự án như 1Protocol) thì chiến lược kinh tế quy mô khác đó sẽ không còn trở nên quá khó, và một lần nữa sẽ đưa các biên độ tiến về zero.

Các thị trường thuộc dạng không trao đổi được không có lợi ích như trên mặc dù chúng cho phép người cung cấp sẽ có doanh thu bằng giá cả cuối cùng của sản phẩm/dịch vụ chứ không phải giá cả sau khi đã trừ đi chi phí trung gian các kiểu (hay hiểu đơn giản hơn là cung cấp sản phẩm/dịch vụ trực tiếp đến tay người dùng cuối).

Nhóm VI: Dữ liệu chia sẻ

Có một cách để hình dung về mô hình lớp dữ liệu chia sẻ là hệ thống Global Distribution Systems (GDS) của ngành công nghiệp vận tải hàng không. GDS là một trung tâm dữ liệu nơi tất cả các hãng hàng không sẽ đẩy dữ liệu bay lên từ đó hệ thống có thể cung cấp được thông tin điều phối tốt nhất bao gồm chặng bay và giá cả. Nhờ vào hệ thống trên mà các công ty cung cấp dịch vụ tra cứu tổng hợp cho người dùng như Kayak đã ra đời và thay thế các đại lý truyền thống. Đặc biệt những thị trường hấp dẫn nhất cho các công ty cung cấp dịch vụ cổng thông tin như thế này chính là những thị trường có nhiều rào cản để thâm nhập cạnh tranh trực tiếp tuy nhiên lại có thể dùng tiến bộ công nghệ như một chất xúc tác để thu thập thông tin, metadata liên quan cũng như nhu cầu người dùng (giống như trường hợp của GDS).

Các dự án sử dụng blockchain tạo ra doanh thu cho người dùng sẽ tạo ra một loạt các thị trường mới nơi giá trị sẽ không lọt vào các công ty môi giới thông tin mà chính là những cá nhân và tổ chức cung cấp thông tin.

Vào 2015, Hunter Walk có viết về một trong những cơ hội lớn nhất bị bỏ lỡ trong thập niên trước chính là sự thất bại của eBay trong việc mở hệ thống đánh giá uy tín của nó cho các nhà cung cấp thứ ba vốn có khả năng đưa eBay thành trung tâm của thương mại P2P. Xa hơn nữa, tác giả cho rằng tài sản giá trị nhất của eBay chính là thông tin độ uy tín được xây dựng qua một thời gian dài của hãng. Dữ liệu này sẽ giúp hãng có thể thu được nhiều phí hơn từ người dùng để đổi lại cung cấp sự an tâm khi người dùng chọn được nhà cung cấp uy tín để giao dịch. Trong giao thức blockchain dữ liệu chia sẻ, người dùng có thể lấy được thông tin này khi ứng dụng kết nối vào blockchain dữ liệu chia sẻ, giúp giảm được nhiều chi phí trung gian, tăng tự cạnh tranh và cuối cùng thúc đẩy sự sáng tạo.

Có một cách khác để mô tả về blockchain dữ liệu chia sẻ là sử dụng một công ty tập trung như Premise Data để làm ví dụ. Công ty này tuyển nhiều nhân viên và cộng tác viên giúp thu thập dữ liệu từ hơn 30 quốc gia về mọi thứ từ cách ăn uống cho đến những nguyên liệu được dùng trong một vùng địa lý. Công ty này sử dụng máy học (machine learning) để trích xuất những đánh giá sâu sắc (insight) và sau đó bán chúng. Các dự án blockchain dữ liệu chia sẻ thay vì tìm và thuê nhân viên để đi thu thập dữ liệu sẽ cho phép bất cứ ai thu thập, chia sẻ, đánh dấu và xây dựng các mô hình dữ liệu khác nhau để trích xuất thành các đánh giá từ các dữ liệu này. Người dùng sẽ được thưởng bằng token cho việc này và token sẽ tăng giá trị vì các công ty sẽ phải sử dụng token để mua các bộ dữ liệu và đánh giá đó.

Có nhiều ý tưởng startup sử dụng những thứ tương tự như một nền tảng dữ liệu mở đã thành công vang dội (vd: Facebook, Youtube, Instagram..). Thách thức còn lại chính là sale và phát triển kinh doanh, còn về công nghệ thì đã có sẵn. Đây là cơ hội cho những ý tưởng đã không thành công trước đây khi làm dưới dạng một thực thể (mà không sử dụng blockchain dữ liệu chia sẻ).

Nhóm VII: Xác thực

Sau cùng, tiền mã hoá là một loại dữ liệu số gắn chặt với một nền tảng blockchain nhất định và các dự án trong nhóm này sử dụng những dữ liệu số này để đại diện cho hàng hoá trong thực tế (vd: vé sự kiện) hoặc dữ liệu. Khả năng bất biến của blockchain công cộng (public blockchain) giúp những người tham gia vào tự tin rằng một khi dữ liệu đã được ghi vào blockchain thì sẽ không thể bị sửa đổi bằng bất cứ cách nào và dữ liệu đó luôn sẵn sàng để tham khảo đến ở bất kỳ thời điểm nào sau này. Đó là lý do tại sao đối với những dữ liệu nhạy cảm như dữ liệu giao dịch cần được lưu trên blockchain để bảo đảm tính toàn vẹn của chúng.

Lời kết

Cho dù có rất nhiều đổi mới đang xảy ra ở các nhóm trên nhưng những dự án làm tác giả cảm thấy phấn khích nhất vẫn là những dự án cho phép xây dựng Web3 bằng việc cung cấp các tính năng có thể hoạt động trong nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Rộng hơn cả những hoạt động đầu cơ tiền điện tử đang phổ biến hiện nay là việc đầu tư cho sự phát triển hạ tầng để tạo nên các nền tảng giúp vừa giảm chi phí, tăng tính riêng tư và độ bảo mật trong những lĩnh vực rất chuyên biệt (xác thực danh tính, chuyển tải tín dụng, VPN) có vẻ là những mảng sẽ mang lại giá trị cao nhất.

Về lâu dài, những dự án thú vị nhất sẽ là những dự án giúp tạo ra dữ liệu chia sẻ và kích hoạt sự trao đổi trên toàn hệ sinh thái.
---------------------------
Credit:
https://medium.com/@josh_nussbaum/blockchain-project-ecosystem-8940ababaf27
https://en.wikipedia.org/wiki/Margin_(economics)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%E1%BA%BF_quy_m%C3%B4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét